Kể chuyện đi làm công ti nước ngoài [part 1]
1. Ai cũng là Manager
(-) Thông thường 1 cái văn phòng, thì sẽ có chừng vài ba chục người có chức danh là "manager". Nghe riết thì thấy quen, nhưng thỉnh thoảng cần phải dịch ra tiếng Việt thì lại phân vân: "giám đốc" thì to quá, "trưởng nhóm" thì nhỏ quá, "trưởng phòng" thì nghe có vẻ vừa vặn - nhưng là phòng nào ? Mà tại sao cũng phòng đó lại có tới mấy "trưởng phòng" ? Ai là "trưởng" nhất ? Và "trưởng phòng" thì có bao nhiêu "lính" ? (Có nhiều trường hợp chẳng có lính nào)
(+) Gọi là manager, vì công việc cần tính chủ động, dám nghĩ, dám làm, liên kết nhiều người, và có sức ảnh hưởng đến người khác (trong và ngoài công ti)
2. Bạn chỉ là 1 phần trong guồng máy
(-) Công ti càng bự, cách làm việc càng chuyên nghiệp thì sự ảnh hưởng của bạn càng nhỏ. 1 dự án sẽ có vài ba bên tham gia: bên vùng (regional), bên trong nước (local), bên công ti, bên đối tác. Khi cần quyết định gì thì trong nhiều trường hợp phải chuyển lên trên, trên chuyển lên trên nữa, trên nữa nghĩ xong chuyển xuống dưới, dưới chuyển xuống dưới nữa. Cái này nếu tốt thì người ta sẽ bảo là teamwork/collaboration/qui trình chuyên nghiệp, nếu nhìn cách khác thì nó sẽ thành bureaucracy
Bạn sẽ học được cách giải quyết công việc, bạn sẽ dần dần thạo việc. Nhưng bạn không có cảm giác chính mình làm 1 ổ bánh mì từ đầu tới cuối và đứng bán, ngay và luôn
(+) Bạn sẽ học được rất nhiều điều về cách tổ chức công việc, quản lí dự án, làm việc nhóm, giao tiếp, tác động người khác
3. Văn hóa "Làm đúng"
(+) Ít có chuyện hôm nay nói gì với sếp thì tối về vắt trán suy nghĩ xem nói vậy có ổn không, sếp giận có sao không. Tết đến thì quà tặng theo hướng từ sếp tới nhân viên, chứ chẳng phải như báo vẫn hay đăng : nhân viên xếp hàng tặng quà cửa sau nhà sếp
Công việc bạn làm được đánh giá đúng (nếu như bạn chịu khó 1 chút để show ra cho mọi người thấy) và được tuyên dương. Bạn có thể nghĩ thật, nói thật (không phải trong tất cả, nhưng nói chung là đa số trường hợp)
(-) Gặp khó khăn khi giải quyết các trường hợp "làm không đúng" từ các đối thủ "làm chưa đúng" . Và nói chung "đúng" cũng chỉ có mức tương đối. Cái "đúng" của công ti này chưa hẳn là giống cái "đúng" của công ti khác
Tóm lại:
Đi làm công ti nước ngoài thì học được nhiều (từ công việc, và từ rất nhiều người khác giỏi hơn mình), đãi ngộ tạm ổn, đỡ phải suy nghĩ những chuyện-hậu-trường-ngoài-công-việc. Chỉ có 1 cái có thể làm một vài người sẽ phân vân : Bạn chỉ là 1 người thợ làm bánh mì, bạn không phải ông chủ tiệm bán bánh mì. Và tiệm bánh của bạn quá nổi tiếng rồi, bạn làm gì đi nữa thì cũng nằm-trong-những-cái-mà-tiệm-đã-có-thể-làm-đó-giờ : )